Số tiền đầu tiên mình có khái niệm “của mình” là khi mình học lớp 1
Năm đó mình đi thi kể chuyện Bác Hồ với thiếu nhi, thi vòng huyện đậu giải nhì nên được 80 ngàn, 80 ngàn với một đứa trẻ 6 tuổi là một số tiền lớn. Lúc cầm giấy khen và bao thư có 80 ngàn đó về, câu đầu tiên mẹ hỏi mình là con muốn làm gì với 80 ngàn này, mình trả lời con muốn cho chị hai, vậy là mẹ đồng ý để mình cho chị hai.
Trong ký ức của mình, hình như mẹ đã không còn giữ tiền lì xì giúp mình kể từ khi mình học lớp 1. Mình được giữ mọi số tiền mình nhận được, dù có thể đó chỉ là một số tiền rất nhỏ. Tết đầu tiên được tự giữ tiền lì xì, mẹ mua cho mình một con heo đất màu đỏ, mình cứ nhét hết vào đó. Sau này, chuyện được đập con heo đất màu đỏ đó và nhìn từng tờ giấy bạc đủ màu rơi ra trở thành điều mình mong đợi nhất mỗi dịp tựu trường. Mình sẽ cầm tiền đó đi mua đồ cho năm học mới, khi học cấp hai thì là để tự mua sách mà mình thích đọc.
Lên cấp 3, mình bắt đầu được cầm trong tay… nhiều tiền hơn. Tiền này là tiền thưởng từ các cuộc thi học thuật mình tham gia, từ việc học bồi dưỡng ở đội tuyển quốc gia, từ các chương trình học bổng trong và ngoài trường.
Vì đã có thói quen được mẹ tạo điều kiện cho tự giữ tiền và tự quyết định làm gì với số tiền mình có được từ nhỏ, nên mình cũng tự trở nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng mình sẽ làm gì với từng số tiền mình nhận được: Liệu có khoản tiền học nào mình có thể đóng phụ mẹ? Có món đồ nào mình đã muốn mua rất lâu mà chưa thể mua?
Mùa hè năm 11, mình tự mua món đồ có giá trị cao đầu tiên sau… một học kì suy nghĩ, đó là một chiếc laptop. Chiếc laptop đó thật ra đến bây giờ cũng không còn dùng được nữa, nhưng cảm giác “thành tựu” lúc cầm chiếc laptop đó trên tay, cho đến tận bây giờ, vẫn khiến mình rất xúc động.
Sau này, mình gần như có một thói quen bất di bất dịch trong mọi quyết định chi tiêu: mình sẽ không mua ngay lập tức thứ mà mình muốn mua, dù đó là thứ làm mình thấy “choáng ngợp” và “muốn có được” ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy. Mình muốn hạn chế đưa ra những quyết định mua sắm tức thời mà có khả năng cao là mình sẽ hối hận ngay sau khoảnh khắc nhấn vào nút thanh toán.
Thói quen của mình cũng rất đơn giản, chẳng hạn như khi tình cờ nhìn thấy một chiếc đầm đẹp, mình sẽ bấm bỏ nó vào giỏ hàng và không vội thanh toán, mình sẽ để nó yên ở đó và đợi xem sau 3 ngày, sau 2 tuần, với những món đồ có giá trị cao thì có thể lên tới 1 tháng sau đó, mình có còn cảm thấy hào hứng với nó như ban đầu không, mình có còn nhớ đến nó hay không.
Nếu câu trả lời là mọi việc mình làm vẫn ổn dù mình chưa sở hữu món đồ đó, mình sẽ không mua nữa. Vì mình tin đó chính là câu trả lời rõ ràng cho câu chuyện: có lẽ mình chưa cần món đồ đó vào lúc này đến vậy. Bằng chứng là mình vẫn đủ quần áo để mặc, đủ giày để đi nhiều sự kiện khác nhau mà không cần có thêm đó thôi.
Việc sở hữu thêm một món đồ, nhưng không chắc rằng bản thân sẽ thật sự dùng đến nó hoặc chỉ dùng nó trong một vài dịp rồi để cho nó chìm dần vào quên lãng làm mình cảm thấy… áp lực. Cũng chính vì vậy càng ở trong các dịp khuyến mãi lớn, mình sẽ càng cân nhắc. Mình không muốn giảm được 5 hay 10 ngàn nhưng rồi ngay sau đó mình lại mua liền một món đồ kỳ lạ với giá mấy trăm ngàn mà thật ra đó không phải là một món đồ mình thật sự cần đến. Ghi tới đây thì mình nhớ đến một quyển sách chủ đề kinh tế học hành vi giúp mình ngẫm nghĩ được nhiều chuyện liên quan đến những quyết định tức thời này, là quyển phi lý trí.
Và mình giữ thói quen này cho cả những lần chi “to” và cả những lần chi “nhỏ”, vì điều thật sự khiến mình suy nghĩ, đó là chuyện đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: rốt cuộc thì mình có thật sự cần nó đến vậy hay không.